Quy Định PCCC Mới Nhất Tại Các Chung Cư Mini
Quy Định PCCC Mới Nhất Tại Các Chung Cư Mini
Từ đầu năm liên tục xảy ra các vụ cháy Chung cư mini, nhà cao tầng làm nhiều người thương lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) khu dân cư.Thủ tướng chỉ đạo “nóng” về vấn đề không mới, nhưng khiến nhiều chung cư mini lo sốt vó.
Hiểu một cách đơn giản, chung cư mini là một tòa nhà được xây dựng trên một diện tích nhỏ và chia thành nhiều căn hộ. Cách thức hoạt động của chung cư mini cũng khá giống với chung cư bình thường, tuy nhiên với quy mô nhỏ hơn. Các căn hộ của chung cư mini được thiết kế và xây dựng theo kiểu khép kín, bao gồm phòng ngủ, nhà vệ sinh, nhà tắm và khu bếp riêng… . Loại hình này có giá thuê hợp lý, phù hợp với tài chính của nhiều người dân lại thường nằm ở khu vực gần trung tâm thành phố nên được nhiều người lựa chọn.
Quy định PCCC tại các chung cư mini thế nào?
Theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã quy định rõ ” một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy”, trong các trường hợp cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về PCCC bao gồm:
1. Trụ sở cơ quan nhà nước cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
2. Nhà chung cư, ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên;…
Như vậy, nếu chung cư mini cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên thì chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép PCCC.
Điều kiện thực hiện thủ tục về PCCC cho chung cư mini
Theo Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini sẽ được quy định như sau:
– Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ thoát hiểm hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.
– Có phương án chữa cháy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc các quy định của Bộ Công an;
– Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của các cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án.
Xử phạt khi vi phạm quy định PCCC
Vi phạm quy định về PCCC có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều này được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về PCCC cụ thể như sau:
– Người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
– Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù.
Đối với mức xử phạt hành chính khi để xảy ra cháy, nổ thì tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến quy định PCCC chung cư thông tin đến bạn đọc.